Khi cái lạnh cùng những cơn gió của mùa mùa đông vẫn còn vương lại trên khắp mọi nơi, hoa xuân bắt đầu đâm chồi nảy lộc, mùa màng đã xong từ lâu thì khắp các thôn bản đồng bào K'Ho cũng rộn ràng bước vào mùa bắt chồng - mùa cưới. Theo chế độ mẫu hệ, người K’Ho sống dưới chân núi Langbiang ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có chế độ hôn nhân và phong tục cưới hỏi cũng vô cùng độc đáo.
Với người K'Ho, phụ nữ đóng vai trò trụ cột trong gia đình, có quyền đưa ra mọi quyết định quan trọng. Ngay cả trong hôn nhân, người phụ nữ sẽ trực tiếp chọn cho mình một người chồng mà bản thân ưng ý nhất.
Đến tuổi cập kê, phụ nữ K'Ho nếu đã “ưng bụng" chàng trai nào thì sẽ trực tiếp nói với cha mẹ và nhờ người mai mối đến nhà trai dạm hỏi. Lễ vật cho đám hỏi là một vòng tay và một dây nhòng bằng đồng hoặc bạc. Thời gian được chọn để đi dạm hỏi thường là buổi tối, khi nhà trai đã đầy đủ ở nhà và lý do sâu xa là nếu nhà gái bị từ chối cũng không cảm thấy “mất mặt".
Có thể nói, lễ hỏi của người K’Ho được ví như cuộc đấu trí giữa hai gia đình. Nhà gái sẽ dùng lí lẽ thuyết phục nhà trai đồng ý gả chồng, còn nhà trai sẽ phải trả lời làm sao để cho thấy con cháu nhà mình “cao giá", hoặc đưa lí do chưa muốn gả đi. Nếu người con trai đồng ý để người con gái bắt về làm chồng thì sẽ giữ chiếc vòng và nhòng lại. Còn không, sẽ trao trả lễ vật cho nhà gái và phải bồi thường danh dự bằng sản vật hoặc tiền mặt. Nếu trong cuộc đấu trí ăn hỏi mà nhà trai thành công, ngay trong tối đó, chàng trai có thể dọn đến ở nhà cô gái.
Về lễ vật thách cưới, tùy theo hai gia đình bàn bạc mà số lượng và lễ vật thách cưới sẽ có sự khác biệt, thường là trang sức, chiêng, ché, trâu, rượu cần... Gia đình nhà gái nếu không có điều kiện có thể nộp lễ vật thách cưới vào 2 hoặc 3 năm sau.
Lễ cưới thường được tổ chức tại nhà trai với các hoạt động ăn uống, múa hát linh đình bên cồng chiêng, lửa trại:
"Hôm nay cho con trai con gái cùng chung sống
Như trâu thấy nhà để về chuồng
Hãy ăn ở đến già
Hãy làm lụng cùng nhau
Sống đến bạc đầu
Tâm tình không chán
Đừng lang thang như con bướm với hoa
Sống cho đến khi lưng còng..."
Một nghi lễ không thể thiếu trong ngày cưới của người đồng bào K'Ho là lễ ném ruột gà. Lễ này chứng tỏ đôi trẻ từ nay chính thức là vợ chồng và được tự do đi lại giữa hai bên gia đình. Cô dâu trước khi bước vào cửa nhà trai sẽ phải trải qua nghi thức rửa chân. Nghi lễ này để đảm bảo cô dâu phải giữ gìn sự trong sạch và là người phụ nữ đoan chính của gia đình.
Về phần nhà gái, lễ cưới được tổ chức thật tối giản vì nếu với những gia đình khó khăn thì món đồ giá trị nhất đã đem đi trả lễ “thách cưới" hết rồi. Thậm chí, có gia đình nhà gái phải đợi vài năm sau mới tổ chức đám cưới cho hai vợ chồng.
Với những nét độc đáo trong lễ cưới truyền thống của đồng bào K'Ho nên UBND huyện Lạc Dương đã quyết định tổ chức phục dựng trong thời gian diễn ra Mùa hội Cỏ hồng Langbiang 2019, thông qua các tài liệu ghi chép và lời kể của các già làng, nghệ nhân ở buôn làng Đưng K’Si, xã Đạ Chais. Hy vọng, với hoạt động văn hóa đặc sắc này, du khách sẽ hiểu hơn về đời sống của người đồng bào K'Ho nói riêng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp đến nhiều thế hệ mai sau.
——————
Nguyen Hien (t/h)
Các tin tức khác
- » MHCH 2019 - Thể lệ cuộc thi ảnh, video online "Cỏ hồng - Màu yêu thương" (07.11.2019)
- » REDEYES - Tiếp tục được chọn làm đơn vị truyền thông và đồng tổ chức Mùa Hội Cỏ Hồng lần III - năm 2019 (07.11.2019)
- » MHCH 2019 - Thông cáo báo chí (06.11.2019)
- » Truyền thông qua câu chuyện sản phẩm (05.11.2019)
- » Cỏ hồng sắp nở rộ (04.11.2019)
- » Tổ chức sự kiện dịp cuối năm - Điều doanh nghiệp không nên bỏ qua (30.10.2019)
- » TECH CLUB - CLB SỐ (29.10.2019)
- » Kết nối bởi chữ DUYÊN, khởi tạo bởi chữ TÂM và ở lại bên nhau bởi NIỀM TIN (29.10.2019)